Lượt xem: 338

Chủ động phòng bệnh trên tôm nuôi giai đoạn chuyển mùa

Tỉnh Sóc Trăng đang bước vào đợt thả nuôi tôm chính vụ. Đây cũng là thời điểm khá mẫn cảm đối với tôm nuôi, bởi những ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết giai đoạn chuyển mùa. Hiện nay, cơ quan chuyên môn và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các địa phương thuộc vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang tích cực khuyến cáo hộ nuôi những giải pháp kỹ thuật cần thiết để đảm bảo an toàn trong vụ nuôi năm nay.

 


Ngành chức năng kiểm tra tình trạng tôm nuôi

 

    Nếu như ở thời điểm này, một số vùng nuôi trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn đang tiến hành các khâu cải tạo ao để bắt đầu cho vụ nuôi mới, thì với ông Đỗ Đức Tạo ở xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung thì đây là giai đoạn mà ông phải thực hiện xử lý lại toàn bộ các khâu để bắt đầu cho đợt thả nuôi thứ 2, sau khi 4 ao nuôi của gia đình đã thiệt hại hoàn toàn do tôm mắc bệnh đốm trắng khi vừa được khoảng 20 ngày tuổi. Ông Tạo cho biết: “Sáng ra tôi thấy tôm lội lờ lờ trên mặt nước, khi kiểm tra kỹ thì thấy tôm có biểu hiện bị đốm trắng nên tôi bỏ luôn chứ không tiếp tục nuôi nữa và phải xử lý ao lại từ đầu”.

    Trường hợp của ông Đỗ Đức Tạo cũng là sự lo ngại chung của rất nhiều bà con nuôi tôm tại huyện Cù Lao Dung vào thời điểm này. Đây cũng là nguyên nhân khiến tiến độ thả nuôi tôm năm nay tại huyện có phần chậm hơn so với cùng kỳ, với diện tích thả tôm ước đến tháng 6 là 2.110 ha. Toàn huyện hiện cũng đã ghi nhận khoảng 75 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm 3,55% diện tích thả, chủ yếu do tôm mắc phải một số bệnh thường gặp như: Bệnh đốm trắng, phân trắng và hoại tử gan, tụy. Để đạt được sản lượng tôm nuôi toàn huyện là 23.000 tấn theo kế hoạch đã đề ra trong vụ nuôi năm nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã và đang phối hợp tốt cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để đánh giá chính xác tình trạng bệnh trên tôm đang xảy ra tại vùng nuôi, nhằm cảnh báo kịp thời và khuyến khích hộ nuôi thực hiện tốt biện pháp cải tạo ao, cũng như tuân thủ đúng khung lịch thả nuôi chung đã được ban hành.

    Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cũng đã thực hiện một số chương trình giám sát bị động và chủ động. Kết quả thu mẫu giám sát tại hộ có tôm bị thiệt hại cho thấy, có 86 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, 71 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, 68 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng EHP và có 05 mẫu dương tính với bệnh hoại tử cơ quan tạo máu. Riêng kết quả thu mẫu giám sát chủ động tại kênh cấp nước cho vùng nuôi tôm cho thấy, có 13 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, 14 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, 09 mẫu dương tính bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và có 04 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng EHP.

    Tính đến ngày 12/5, toàn tỉnh đã thả nuôi 26.546 ha, diện tích thiệt hại đã ghi nhận được là 406,7 ha, cao hơn 213 ha so cùng kỳ, tập trung chủ yếu tại huyện Mỹ Xuyên, huyện Cù Lao Dung và thị xã Vĩnh Châu. Tình hình thiệt hại trên tôm nuôi mặc dù vẫn đang được kiểm soát tốt; tuy nhiên, thời tiết đang có sự chuyển mùa từ nắng sang mưa, lượng mưa trong vài ngày tới được dự báo sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm; đồng thời, hiện tượng dông, bão có khả năng xuất hiện, làm cho thời tiết, môi trường trở nên cực đoan, phức tạp và gây khó khăn cho tôm nuôi ở những tháng tới.

    Đồng chí Phan Bạch Vân - Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Đối với diện tích chuẩn bị cải tạo, bà con cần tập trung lựa chọn nguồn giống tốt, lựa chọn thời điểm phơi ao và lấy nước thích hợp. Hiện nay, độ mặn tại các tuyến sông đang giảm mạnh, nên bà con lưu ý sử dụng nước đã tích trữ trong ao nuôi từ trước hoặc có biện pháp duy trì độ mặn trong ao ở mức tốt nhất. Đặc biệt, tất cả các yếu tố môi trường đều phải được quản lý trong ngưỡng thích hợp. Chẳng hạn pH dao động từ 6.5 đến 8.5, độ kiềm quản lý ở mức dao động từ 80 đến 120 mlg/lít, riêng oxy hòa tan cần duy trì ở ngưỡng trên 40 mlg/lít. Ngoài yếu tố môi trường bị biến động, thời gian gần đây, người nuôi tôm thường ghi nhận một số bệnh như: Đốm trắng, phân trắng, vi bào tử trùng. Vì vậy, bà con cần lựa chọn con giống tốt và kiểm tra các yếu tố dịch bệnh trước khi thả nuôi, trong quá trình nuôi cần cho ăn theo quy định, chế độ ăn có thể ít hơn để tránh dư thừa thức ăn, làm ảnh hưởng đến môi trường ao nuôi trong giai đoạn mùa mưa như hiện nay”.

    Nhằm quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, ngành chuyên môn cũng khuyến cáo hộ nuôi có điều kiện cần áp dụng công nghệ trong sản xuất như mô hình nuôi ao lót bạt đáy, mô hình nuôi 3 giai đoạn hoặc 4 giai đoạn trong ao tròn nổi. Ưu điểm nổi bật của các mô hình này là giúp quản lý tốt môi trường ao nuôi, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Diện tích ao nuôi nhỏ chiếm khoảng 20 - 30%, còn lại phần lớn là diện tích dành cho ao xử lý nước, chất thải nên kiểm soát tốt và chủ động nguồn nước, giúp tôm lớn nhanh và cho năng suất cao,

    Từ đầu năm đến nay, thị trường tôm cho thấy những tín hiệu lạc quan khi giá tôm thương phẩm liên tục tăng cao do nguồn tôm nguyên liệu khan hiếm. Mặc dù vậy, nhưng tiến độ thả nuôi tôm nước lợ tại tỉnh vẫn diễn ra chậm hơn so với cùng kỳ. Có thể thấy, người nuôi tôm ở Sóc Trăng không còn nôn nóng mà đã có sự thận trọng hơn trong quá trình thả nuôi, thả nuôi theo hình thức thăm dò để hạn chế tối đa thiệt hại; phấn đấu đạt sản lượng và năng suất theo kế hoạch mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đề ra trong năm 2022.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 59
  • Hôm nay: 9066
  • Trong tuần: 76,386
  • Tất cả: 11,860,575